Cách trở thành coach chuyên nghiệp ICF Certified của Thuyên
"Làm sao để trở thành coach chuyên nghiệp (khai vấn viên)?" là câu hỏi có lẽ bạn đang có. Mình sẽ giúp bạn giải đáp một phần câu hỏi này qua chia sẻ về hành trình của của chính bản thân mình.
1. Bắt đầu với WHY
Từ bé, mình đã thấy mình có những điểm không giống hầu hết bạn bè cùng lứa. Thuyên cảm giác mình già trước tuổi, thể hiện qua chuyện hay tự đặt cho mình những câu hỏi hóc búa như: "Cuộc sống có ý nghĩa gì?"; "Tại sao có người lại nhút nhát, có người lại không biết sợ?"; "Có tiền mà vẫn không cảm thấy hạnh phúc là như thế nào?".
Do đặt những câu hỏi này từ sớm mà mình cũng sớm ngộ ra nhiều điều trong cuộc sống cá nhân. Mình thấy được bản thân có khả năng nhìn một vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau. Bố mẹ bảo mình "phức tạp" nhưng mình thấy bản thân hiểu được nhiều khía cạnh của vấn đề nên mới "phức tạp" như vậy.
Một khó khăn hồi bé mình mắc phải đó là nói chuyện với đám bạn cùng lứa. Hồi đó, Thuyên cảm thấy phong cách nói chuyện của mình thẳng thắn, nhìn nhận mọi thứ theo bản chất vấn đề. Do đó, lời nói của mình nói ra không tạo cảm giác thú vị lắm so với lũ bạn cứ huyên thuyên nói chuyện trên bề mặt. Hồi đó thôi chứ bây giờ T trở thành một phiên bản được nâng cấp lớn rồi.
Lớn lên mình cứ đặt câu hỏi: "Với tính cách kiểu đó thì mình làm công việc gì bây giờ?". Dạy học thì cũng OK nhưng mình không thích DẠY BẢO cho lắm, học kỹ thuật thì quá chi tiết và tỉ mỉ với mình. May mắn là mình tìm thấy coaching (khai vấn) là một trong những công việc mình muốn làm.
Tuy nhiên, không chỉ đơn giản như vậy thì có thể trở thành coach. Thuyên phải trải qua giai đoạn trải nghiệm để khai phá tiềm năng của bản thân cũng tương đối gian nan.
Mình phải nhấn mạnh rằng không phải ai cũng có thể hoặc nên trở thành coach chuyên nghiệp. Bạn có thể dừng lại ở mức áp dụng coaching vào công việc và cuộc sống cá nhân.
2. Tích lũy kỹ năng cần thiết của coach

Kỹ năng giao tiếp thấu hiểu
Vào những năm đầu đời của Thuyên, tức là những năm 18 tuổi, mình được cơ hội để có kinh nghiệm làm tuyển dụng. Làm tuyển dụng, mình phải luyện khả năng phỏng vấn từ con số 0. Thực sự, ban đầu việc phỏng vấn một thí sinh là một trò chơi "cân não". Mình đã từng nghe xong câu trả lời của thí sinh, trong đầu cảm thấy quá tải và không thể nào hỏi tiếp. Thật sự khó.
Chưa hết, trong quá trình phỏng vấn, mình không thể giao tiếp một cách "thẳng thừng" là "Em sẽ làm ở đây lâu dài không?". Thay vào đó, Thuyên phải dùng những biện pháp hỏi gián tiếp khác, cũng như quan sát ngôn ngữ cơ thể để biết được thí sinh có nói đúng sự thật hay không.
Sau vài năm làm việc, hơn 200 giờ phỏng vấn căng não, mình cảm thấy thoải mái và tự tin trong cuộc nói chuyện 1:1. Mình biết đây là điều không phải ai cũng có thể làm được. Phải có đủ luyện tập, mới có thể bình tĩnh trước khách hàng.
Tư duy đa chiều, tư duy độc lập
Bạn tìm đến một người coach để làm gì? Chắc hẳn, ngoài việc được lắng nghe, bạn sẽ còn muốn nghe những phản hồi, góc nhìn từ phía người coach. Chính xác. Người coach cần cho coachee của mình một góc nhìn mà bản thân họ không thể thấy được - hay còn gọi là điểm mù. Tư duy này mình có được thông qua quá trình làm công việc quản lý từ trung cấp đến phó chủ tịch, rồi chủ tịch.
Trong quá trình này, mình đã phải đưa ra hàng nghìn quyết định lớn nhỏ. Chính nó đã giúp mình tư duy đa chiều, độc lập hơn. Đơn giản là, khi quyết định một điều đó trong business, bạn phải cân nhắc rất nhiều khía cạnh khác nhau, từ những người khác nhau.
Đối với mình, 2 kỹ năng này là kỹ năng cốt lõi nhất. Đối với bạn, có thể bạn cần nhiều hơn, hoặc ít hơn. Con đường để có đủ kỹ năng trở thành coach thì mỗi người mỗi khác. Thuyên thấy có những anh chị làm bên giáo dục, đứng giảng cũng có thể trau dồi cho mình những kỹ năng, tư duy này.
3. Kinh nghiệm thực chiến

Đến giờ mình vẫn chưa nói về chuyện bằng cấp, tại vì bằng cấp cũng chỉ cho bạn những kiến thức căn bản. Có làm được coach hay không phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm thực chiến của bạn, không nhất thiết phải là coaching thuần túy.
Trong quá trình làm việc trong tổ chức quốc tế AIESEC, với nhiệm vụ là một người quản lý cấp cao, Thuyên đã cung cấp hơn 300 giờ coaching cho cấp dưới của mình. Trong quá trình thực chiến này, mình đã đối mặt với nhiều loại vấn đề từ công việc đến mối quan hệ xã hội, ngoài ra còn là tính cách khác nhau, từ hướng nội đến hướng ngoại, từ người cảm tính đến người lý trí.
Đối mặt với những thử thách như vậy, mình mới cảm nhận được độ khó của công việc này. Người coach phải là người mềm dẻo, linh hoạt mới có thể giúp khách hàng của mình xử lý được những vấn đề của họ. Hơn nữa, người coach cũng phải TỈNH TÁO khi nghe vấn đề của khách hàng, không được cuốn theo. Kinh nghiệm thực chiến này đã giúp Thuyên cứng cáp hơn rất nhiều.
4. Lấy chứng chỉ chuyên nghiệp
Bạn có thể áp dụng kỹ thuật coaching trong công việc mà không cần chứng chỉ từ ICF. Tuy nhiên, một khi cân nhắc trở thành coach chuyên nghiệp hoặc lấy tiền dịch vụ coaching mà mình cung cấp thì nên có chứng chỉ chuyên nghiệp.
Chứng chỉ này sẽ cho bạn những kiến thức căn bản, nhưng quan trọng là tiêu chuẩn đạo đức mà một người coach cần phải có đến từ ICF. Khi bạn đã dấn thân vào thế giới coaching chuyên nghiệp, bạn sẽ đối mặt với nhiều thử thách và cám dỗ. Do đó, hãy chọn một tổ chức, một cộng đồng để dẫn lối cho bạn. ICF là một trong những tổ chức giúp bạn được.

Nếu bạn chưa biết về ICF thì sau bài viết này bạn có thể đọc bài viết chia sẻ chi tiết tất tần tật những gì bạn cần biết về ICF Coaching.
ICF là gì? Tìm hiểu về chứng nhận coaching của ICF.
5. Định vị ngách coach của bạn
Bản thân là một người coach, bạn nên hiểu được bạn muốn phục vụ cho ai? Giá trị mà bạn có thể trao được cho họ là gì? Cách bạn trao giá trị có gì khác biệt hay không?
Thuyên đã phải trả lời những câu hỏi khó khăn đó trong thời gian đầu làm coach, đặc biệt thử thách khi mình bắt đầu ở độ tuổi khá trẻ. Tuy nhiên, hiện tại mình cảm thấy mọi thứ đã rõ ràng hơn.
Ban đầu, nói thực là mọi thứ cũng "mông lung như một trò đùa" nhưng ít ra thì bạn cũng nên nghĩ thông suốt về chuyện đó. Đây sẽ là một quá trình diễn ra liên tục, không có điểm kết thúc.
Chính trải nghiệm qua nên mình hiểu định vị dịch vụ coach khó khăn như nào. Bạn nên tìm cho mình một người coach phù hợp để giúp bạn làm việc đó. Coach cũng cần coach. Nhấn mạnh ở chữ phù hợp, không phải cứ giỏi thì cũng phù hợp, coaching không giống giảng dạy hay tư vấn.
Tính cách, trải nghiệm, phong cách sống của người coach sẽ quyết định phần nhiều người coach đó có giúp được bạn và đồng hành với bạn trong thời gian dài hay không.
6. Chứng chỉ là chưa đủ!
Phải thật lòng với bạn rằng khi lắng nghe chia sẻ từ những coach khác, mình thấy rằng không ít coach chưa cảm thấy sẵn sàng để bắt đầu hành trình chuyên nghiệp.
Rào cản lớn nhất là thiếu kinh nghiệm thực tế nên không tự tin. Đôi khi, trong phiên khai vấn, coach có thể không biết hỏi gì tiếp theo. Hơn nữa, bạn có thể gặp những trường hợp đặc thù mà không biết cách giải quyết như thế nào.
Cá nhân Thuyên trước khi trở thành coach chuyên nghiệp thì cũng đã có sẵn 300 giờ kinh nghiệm coaching trong tổ chức trẻ. Chính những va chạm này đã giúp mình cứng cáp hơn nhiều.
Do đó, mình nghĩ rằng mỗi người coach nên có một hoặc nhiều người mentor (cố vấn) cho mình. Không những một người đi trước chia sẻ cho bạn về kinh nghiệm không có trên sách vở, mà còn đồng hành xuyên suốt quá trình trở thành khai vấn viên lành nghề của bạn.
Thuyên có thể giúp được bạn trong bước này. Tuy nhiên, trước hết hãy tìm hiểu về Thuyên xem chúng ta có phù hợp với nhau không nhé. Đừng ngại hẹn 1 cuộc gọi để hiểu rõ hơn.
Chúc bạn sớm trở thành một người coach giúp đỡ được nhiều người khai phá được tiềm năng của mình!