Main
CLOSE

Giá như tôi không vào đại học năm 18 tuổi

Thuyên Dương Văn
27 Tháng Sáu, 2019

Trước hết, mình không cổ vũ bất kì ai bỏ học để làm triệu phú vĩ đại. Mình cũng không bàn về việc tấm bằng đại học quan trọng như nào. Đó là tùy vào hoàn cảnh của mỗi cá nhân. Điều mình chia sẻ ở đây chính là một mặt khác của vấn đề. Một mặt mà khi 18 tuổi mình không có đủ vốn sống để nhận ra, mà có nhận ra có lẽ cũng chẳng dám làm. Bây giờ nhìn lại, giá như mình không vào đại học năm 18 tuổi thì cả nghìn cánh cửa khác sẽ mở ra với mình.

Hôm nay, Thuyên sẽ chia sẻ tất cả. Hi vọng câu chuyện của mình phần nào giúp bạn hiểu hơn về con đường của bạn đã, đang và sẽ chọn.

Anh cũng hi vọng chia sẻ này cũng đến với những em đang có cơ hội để chọn lựa một con đường phù hợp. Anh không khuyến khích bất cứ điều gì mà chỉ đưa ra thêm câu chuyện để em có thể mở rộng góc nhìn của mình.

Đúng trường nhưng không đúng thời điểm

Chúng ta có thể cùng đi qua một cột mốc đại học nhưng không phải ai cũng phải đi qua vào thời điểm 18 tuổi. Có người sẽ sẵn sàng để đi vào lúc đó, còn cá nhân Thuyên thì không sẵn sàng chút nào.

Thứ mình cần nhất lúc đó không phải đại học, mà đó là một trải nghiệm thực tế giúp mình có thêm chất liệu cuộc sống. Từ chất liệu cuộc sống đó thì mới có khả năng thẩm thấu kiến thức.

Học về lãnh đạo làm gì khi mà bản thân cũng chưa biết mình muốn gì?

Ngồi nghe về kinh tế vi mô mà thực chất bản thân thiếu kiến thức xã hội căn bản?

Chưa có trải nghiệm cuộc sống, chưa có những kỹ năng mềm tối thiểu mà đã lao đầu vào học những thứ hàn lâm, học thuật rồi để làm gì?

Thuyên chỉ thấy đó là con đường nhanh nhất để trở thành con MỌT SÁCH, MỌT GIÁO TRÌNH, MỌT SLIDE BÀI GIẢNG. Học mà chỉ biết dùng trí nhớ, học mà tất cả chỉ trong trí tưởng tượng. Đó cũng là một cách học nhưng học một cách thiếu tính ứng dụng.

Nếu bạn đã từng là sinh viên chắc hẳn bạn cũng thấy và hiểu những điều trên. Nó đã một thực tế không còn khó hiểu, khó thấy.

Nhưng tại sao người ta cứ lao đầu vào đại học năm 18 tuổi cho bằng được, trong khi chưa sẵn sàng? Tại vì bạn không muốn thua thiệt bạn bè  hay là áp lực từ phụ huynh, thầy cô?

Là gì đi chăng nữa thì việc lãng phí thời gian trong lớp để ngủ (trừ trường hợp bạn thiếu ngủ) hoặc cố gắng nghe bài giảng mà chẳng hiểu gì sẽ lấy mất ít nhất 3 năm cuộc đời của bạn. 

Thậm chí, bạn ham hố vào đại học nhưng chưa chuẩn bị sẵn sàng về định hướng, trải nghiệm thì sẽ trả cái giá rất đắt sau này. Cái giá của sự mò mẫm, thử sai không có kế hoạch.

Không phải đại học là tệ nhưng sai thời điểm là rất tệ!

Điều này không chỉ đúng với giai đoạn vào đại học, mà còn là giai đoạn đi làm nữa. Tại sao cứ đúng lúc 22 tuổi là phải có việc làm mới chịu được?

Đi làm lúc 18 tuổi được không, 24 tuổi được không, cớ sao cứ phải kiếm cho mình một công việc để cảm thấy an toàn. Thực chất sâu trong thâm tâm lại bất an đến mức sợ hãi khi nghĩ về tương lai.

Thời điểm nào là tùy người, tùy hoàn cảnh. Hà cớ sao phải áp một tư duy đại trà và ngắn hạn lên bản thân mình?

Mình đã mất gì?

Con đường nào cũng sẽ cho mình những thứ khác nhau. Hôm nay, mình không chỉ sẽ về thứ mình có. Mình sẽ chia sẻ mình đã mất đi cơ hội gì khi vào đại học năm 18 tuổi.

Dưới đây là những thứ mình có thể đã làm được nếu không học đại học vào thời điểm đó. Mình chỉ kể những cơ hội mà mình biết, còn nhiều cơ hội nữa mà có lẽ mình vẫn chưa nhận ra.

OK, let's go!

#1 Cơ hội để được học thực sự

Chuyện nghe quá vô lý. Người ta bảo vào đại học là để học mà. Nếu không học đại học thì phải chăng đã bỏ lỡ cơ hội để học rồi sao.

Đại học là HỌC THẬT hay HỌC ĐẠI?

Nếu vô đại học mà bạn chưa sẵn sàng thì đó gọi là học đại cho xong. Thay vào đó, mình có thể chọn một thứ mà bản thân yêu thích và đầu tư thời gian, tiền bạc để biến nó thành chuyên môn của mình.

Ngày đó, mình có thể đã có thời gian để học một khóa về giảng dạy tiếng Anh TESOL, tích lũy cho mình đủ kinh nghiệm để trở thành một nghề tay trái. 

Hoặc mình có thể đầu tư thời gian để học võ, học cách tập luyện để cải thiện vóc dáng, cũng như sức khỏe mình. 

Ngoài ra, mình hoàn toàn có thể bỏ một năm ra TẬP TRUNG để nghiền ngẫm những cuốn sách mình yêu thích, nghiên cứu về những chủ đề mình có hứng thú cho thỏa sự tò mò.

Mình thích học về Tâm Lý Học, Thiên Văn Học, Xã Hội Học lắm. Thật ra mình muốn nghiên cứu hết tất cả lĩnh vực trước khi chọn cho mình một thứ chuyên sâu.

Có khi trong quá trình này mình lại học được nhiều hơn kiến thức của 4 năm đại học.

Có câu nói khá nổi tiếng: "Bạn chỉ thực sự bắt đầu học khi đã tốt nghiệp đại học!". Thế tại sao không bắt đầu ngay từ năm 18 tuổi?

Chẳng phải hơn là ngồi trên lớp cố gắng nghe những thứ mình không muốn nghe hay sao?

#2 Có những trải nghiệm tuyệt vời

Trải nghiệm thì lúc nào cũng có thể có được, miễn là bạn sẵn lòng thôi. Tuy nhiên, nếu được trải nghiệm trước khi vào đại học, trước khi chọn trường thì mọi thứ sẽ tuyệt vời hơn nhiều. Nó sẽ giúp trải nghiệm học tại trường đại học đáng giá hơn vạn lần.

Hồi đó, đáng lẽ mình đã có cơ hội để du lịch những nơi mà mình chưa từng đến. Học từ việc quan sát con người ở đó: cách họ làm, cách học ăn, cách họ nói, cách họ ở.

Hay là mình sẽ nộp đơn vào làm trong một tổ chức thiện nguyện về môi trường. Thuyên nghĩ những trải nghiệm làm việc tình nguyện sẽ giúp mình sớm nhận ra điều mình thực sự yêu thích, muốn cống hiến là gì.

Thậm chí mình có thể chọn làm thử một công việc nào đó mà không cần quan tâm đến đồng lương là bao nhiêu. Thích thì mình trải nghiệm thôi.

Hoặc là trở thành một Youtuber hoặc Travel Blogger?

Ôi, có quá nhiều điều sáng tạo và hay ho mình có thể làm ấy chứ. Mình luôn nghĩ đến việc đi làm phụ bếp trong một nhà hàng thử xem như nào.

Những trải nghiệm sẽ cho mình nhiều bài học thực tế, hơn nữa là chúng sẽ giúp nuôi dưỡng tâm hồn của mình nhiều hơn.

Không có trải nghiệm mà cứ ngấu nghiến lý thuyết thì mãi là lý thuyết suông!

Nói vui là: "Trải nghiệm cho đã rồi hãy học, khi đó học mới hiệu quả!"

#3 Trở nên bản lĩnh hơn

Việc đi theo, bắt chước người khác để không thua kém ai thực chất cũng là để cảm thấy an toàn. Dạng như: "Nó làm, tao cũng làm chứ chẳng biết có đúng không? Chỉ biết không làm theo là tao cảm thấy khó chịu!"

Nếu không đi con đường mòn đó thì bạn sẽ đi như thế nào? 

Nếu thoát khỏi vùng an toàn thì thích ứng như nào?

Hai câu hỏi trên sẽ giúp mình phải tự thân vận động rất nhiều. Hoàn cảnh sẽ đưa mình vào thế phải tự đứng trên đôi chân của mình, đi theo con đường riêng phù hợp với mình.

Chỉ có thử thách như này giúp bản thân trưởng thành từ trong ra ngoài. Còn cứ làm cho giống mọi người một cách vô thức thì dần dần sẽ mất hết bản lĩnh.

"Nơi an toàn nhất chính là nơi nguy hiểm nhất"

Đến 22, 23 tuổi bạn bắt đầu sợ đứng trên đôi chân một mình. Bạn biết công việc không hợp nhưng vẫn không dám nghỉ. Vì bạn sợ. Bạn nhìn thấy một con đường tốt hơn, sáng hơn nhưng lại không dám theo? Cũng vì sợ mà ra!

Phải chăng sau bao nhiêu năm làm theo số đông, bạn đã bị "cừu hóa"?

Đừng để xã hội biến bạn và Thuyên trở thành một thành viên của bầy cừu được chăn bởi dư luận!

Tại sao không phát triển cho mình một bản lĩnh từ sớm, một khả năng chống chọi nghịch cảnh, khó khăn tốt hơn người khác. 

Tại sao không tập đứng vững với bản lĩnh trước khi tập đi, trước khi học "TO"?

Tại sao không phải là từ năm 18 tuổi?

Thú thật, đôi khi việc đại học làm mình cảm thấy an toàn đến bất an. Lúc học thì thấy an toàn, lúc ra khỏi trường rồi thì...

#4 Nền tảng tài chính vững chắc

Gia đình bạn có điều kiện thì chuyện tiền nong không phải vấn đề. Nhưng đối với mình, đến một mức độ nào đó, tài chính có một ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của bản thân.

Dĩ nhiên, mình không khuyên bạn nghỉ học chỉ để cày cuốc vài đồng trong thời gian ngắn hạn. Đó lại là câu chuyện khác, mình sẽ không đề cập ở đây.

Khi học hết lớp 12, mình có kiến thức vững chắc về Hóa, Sinh và Anh Văn. Mình hoàn toàn có thể tranh thủ thời gian rảnh để kiếm thêm một số tiền bằng việc đi dạy. Số tiền này có thể đủ để mình đi nước ngoài, đi học những chứng chỉ, khóa học chất lượng cao.

Sự đầu tư này có thể còn tăng thêm chuyên môn rồi cả thu nhập của mình nữa. Nếu biết dùng những gì mình sẵn có, kết hợp với một mô hình kinh doanh nhỏ thì bây giờ mình đã có cho mình một khoản đầu tư nhất định.

Nền tảng tài chính vững chắc sẽ giúp bỏ đi áp lực phải xin việc kiếm tiền sau này. Đôi khi, chỉ vì bạn muốn kiếm tiền ngay mà bỏ đi cơ hội kiếm tiền bền vững. Và hơn hết, khi tiền không phải áp lực thì bạn có thể mở rộng sự lựa chọn của bạn.

Có chút tài chính thì mình cũng không phải tạo thêm gánh nặng cho gia đình, phải trải qua 4 năm đại học ăn mì tôm cuối tháng.

Tại sao không lùi một bước để tiến nhiều bước?

1 năm chuẩn bị tài chính để 4 năm còn lại học đại học một cách có chất lượng, tại sao không?

Còn gì nữa không?

Mình nghĩ vẫn còn nhiều cơ hội đã mất khi vội vàng nhảy vào đại học. 

Đối với những bạn đã lỡ như mình cũng đừng lấy những điều trên để thương tiếc hay trách móc bản thân. Quá khứ thì đã qua nhưng bài học thì vẫn còn đó.

Cuộc sống sẽ có nhiều giai đoạn bạn sẽ phải đưa ra quyết định tương tự như vậy. Bạn chọn nhảy vào ngay hay dừng lại để chuẩn bị một chút.

Chuẩn bị cho mình một sự hiểu rõ về bản thân, lập cho mình kế hoạch để phát triển, "mài dũa" cho mình thêm chuyên môn. Thời gian chuẩn bị bao lâu hoàn toàn tùy thuộc vào bạn.

Đôi lúc, tạm dừng không phải là buông bỏ mà tiếp tục mới chính là buông bỏ. 

Lời nhắn cho các em, những bài học trên anh trả bằng nước mắt, bằng những giây phút không thể tuyệt vọng hơn. Anh đã sống sót qua nó để kể lại cho em. 

Chúc em nào đang ở ngã ba đường có một quyết định đúng đắn cho cuộc đời mình.

Dành thời gian để suy nghĩ cho kỹ vì...

"Nhanh một năm, chậm cả đời!"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© All Rights Reserved.
hello world!
hello world!
cross linkedin facebook pinterest youtube rss twitter instagram facebook-blank rss-blank linkedin-blank pinterest youtube twitter instagram