Cách lập kế hoạch cá nhân theo từng tuần, từng tháng
Năm cũ đã qua đi, bạn đang muốn có muốn có một năm mới đầy thành tựu cá nhân phải không nào? Bạn đã đến đúng chỗ, Thuyên dành nhiều giờ đồng hồ để viết bài này để giúp bạn đạt được điều đó. Mình đã từng viết một bài viết cùng chủ đề giống như này. Bài viết đó đã tiếp cận hàng vạn đọc giả. Tiếp nối thành công đó, Thuyên sẽ viết một bài phiên bản cập nhật với một cách tiếp cận mới mẻ, khoa học để bạn thực sự giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Nào! Chúng ta cùng bắt đầu với bước đầu tiên nhé!
Bước 1: Bắt đầu từ điểm kết thúc

Hãy dừng vài giây và suy nghĩ: "Có bao nhiêu mục tiêu trong cuộc đời chỉ cần một năm là hoàn thành?". Chắc hẳn đáp án ra cực kỳ ít, tại vì mục tiêu cuộc sống, sự nghiệp luôn được tính bằng vài năm, nhiều năm hoặc cả giai đoạn cuộc đời. Năm nay của bạn chỉ là một giai đoạn ngắn cho một mục tiêu nào đó bạn muốn đạt được.
Do đó, bạn hãy bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi: "Mục tiêu bạn đang muốn mất mấy năm để hoàn thành?". Chẳng hạn câu trả lời của bạn là 5 năm thì nhìn từ thời điểm 5 năm sau đó về hiện tại. Từ điểm đó, bạn sẽ nhìn thấy năm nay sẽ đóng góp như thế nào cho mục tiêu lớn đó.
Sai lầm phổ biến của chúng ta là không biết lượng sức mình. Bạn thường đạt một mục tiêu quá to, quá mơ hồ để rồi cuối năm nhìn lại mình không làm được gì cả. Sai lầm này thường kéo dài từ năm nay đến năm khác mà không có lối thoát, như một vòng lặp từ nhỏ đến lớn.
Minh họa cụ thể
Để đặt mục tiêu cho năm nay mình bắt đầu bằng việc muốn trở thành một chuyên gia về tài chính đầu tư trong 7 năm nữa. Suốt 7 năm đó, mình cần dành 2 năm cho việc học kiến thức nền tảng, 2 năm làm việc trong quỹ đầu tư và 3 năm năm vừa làm quỹ vừa nhận khách hàng riêng bên ngoài.
Năm nay đang thuộc giai đoạn 2 năm đầu là giai đoạn học hỏi kiến thức nền tảng. Mình sẽ quyết định là hết năm nay phải nắm vững về kiến thức về kinh tế vĩ mô và đầu tư chứng khoán. Đây chính là mục tiêu năm nay của mình, được suy ngược từ thời điểm 7 năm sau.
Đừng lo sợ nếu bạn không biết khi nào mới thực sự đạt được mục tiêu. Không ai dám chắc là trở thành chuyên gia tài chính đầu năm mất 7 năm, có thể mất nhiều thời gian hoặc ít hơn. Tuy nhiên, chênh lệch đó không quan trọng vì thứ bạn cần ở đây là điểm tham khảo (reference point) để có thể xây dựng lộ trình hợp lý. Đây mới chính là mục đích chính. Chúng ta đang lập kế hoạch chứ không tiên tri về tương lai.
Bước 2: Tìm hiểu thật rõ về thứ bạn muốn phát triển

Qua hàng trăm giờ làm việc với khách hàng để giúp họ xác định, triển khai cũng như đánh giá mục tiêu định kỳ, Thuyên nhận thấy vấn đề lớn nhất là chúng ta xác định sai mục tiêu. Ý mình là bạn đang phát triển thứ không nên ưu tiên phát triển trong thời gian này.
Mình đã gặp trường hợp khách hàng muốn có một cơ thể vạm vỡ như một võ sư nhưng lại không hiểu rõ về "cái giá" để đạt được và duy trì cơ thể ấy. Trường hợp khác thì có bạn muốn phát triển kỹ năng giao tiếp ngoại giao nhưng chỉ tập trung vào đọc sách chứ không tập trung vào trải nghiệm thực tế cần thiết. Có bạn thì chạy theo học IELTS nhưng bản thân thì không sử dụng tiếng Anh học thuật, học mà không dùng ắt sẽ quên.
Nhìn chung, hầu hết chúng ta thường chọn sai kỹ năng để ưu tiên phát triển, chọn sai thời điểm để phát triển hoặc thậm chí hiểu sai về những mục tiêu đó. Muốn chọn đúng thì bạn cần phải hiểu thật rõ thứ mình đang muốn. Làm như thế nào để hiểu rõ thứ mình muốn phát triển?
Cách 1: Nghiên cứu trên giấy qua Internet hoặc sách
Internet là một công cụ để tra cứu thông tin nhanh chóng và tiện lợi. Hầu hết tất cả ngành nghề, kỹ năng, tư duy bạn muốn phát triển đều có thể tìm kiếm định nghĩa, lộ trình một phần ở trên mạng. Kỹ năng bạn cần ở đây là kỹ năng tra cứu. Bạn cần đổi từ khóa nếu bạn tìm không ra hoặc phải đổi ngôn ngữ. Khi bạn tìm kiếm bằng tiếng Anh thì sẽ cho số kết quả nhiều hơn tiếng Việt, chất lượng bài viết xét mặt bằng chung cũng vượt trội hơn hẳn.
Minh họa cụ thể
Mình đang muốn phát triển để thành một người life coach chuyên nghiệp. Động tác đầu tiên của mình là sẽ tìm kiếm "What is life coaching?"; "Life coaching là gì"; "Life coaching khác công việc khác ở chỗ nào?". Mục đích để hiểu rõ là mình có đang có hiểu biết đúng về nghề hay không. Tiếp tục, mình sẽ tìm kiếm cụm từ: "How to be life coach?"; "Các bước để trở thành life coach"; "Năng lực để làm life coaching tốt" để hiểu về lộ trình nghề này. Tiếp vài từ khóa nữa thì mình sẽ có được một bức tranh tổng thể về nghề, xem thử mình còn muốn theo đuổi hay không và theo đuổi từng bước như thế nào.
Cách 2: Hỏi & đáp chuyên gia hoặc người "từng trải"
Internet tuy rộng lớn nhưng cũng có những giới hạn của nó. Đầu tiên, nó không thể có thông tin chia sẻ từ tất cả mọi người trên trái đất mà chỉ từ một nhóm người nào đó sản xuất nội dung. Thứ hai, chúng ta không thể chia sẻ tất cả mọi điều trên mạng do giới hạn thời lượng, cũng như do tính nhạy cảm, cá nhân của thông tin được chia sẻ.
Khi đó, bạn cần đến một nguồn lực quan trọng là: con người. Họ là những người chuyên gia có kiến thức về thứ bạn muốn phát triển, muốn đạt được hoặc họ có trải nghiệm "đau thương" mà bạn nên lắng nghe để rút kinh nghiệm cho mình.
Minh họa cụ thể
Mình đang muốn theo đuổi một ngành tại Việt Nam là ngành công nghệ sinh học. Thông tin trên mạng đa phần là những bài viết quảng cáo, không biết thực hư như thế nào. Do vậy, mình tìm đến người đầu tiên là những anh chị đã tốt nghiệp về ngành này để nghe tâm sự. Sau đó, mình nói chuyện với những anh chị gạo cội trong ngành để nghe về cuộc sống, công việc của anh chị như thế nào. Cũng chính nhờ những cuộc nói chuyện, gặp gỡ này mà Thuyên nhận ra mình không hợp theo đuổi ngành lâu dài. Mình cảm thấy may mắn vì đã biết dừng lại đúng lúc.
Cách 3: Dấn thân một cách có chiến lược
Không phải việc gì cũng có thông tin đầy đủ cũng như người đủ kinh nghiệm, kiến thức để hỏi đáp. Lúc đó, bạn chỉ còn một cách là dấn thân vào lĩnh vực, làm thử để hiểu hơn về nó. Tuy nhiên, học bằng trải nghiệm là cách học với mức học phí vô cùng đắt đỏ. Bạn cần phải thử một cách có chiến lược để không lãng phí tuổi đời của mình. Câu hỏi tiếp theo là "how-to" có chiến lược.
Đơn giản là bạn cần dành một khoảng thời gian nhất định để dấn thân. Bạn không nên dấn thân 100% vào thứ mà bạn không biết rõ là gì. Quỹ thời gian và nỗ lực bạn dành cho nên chỉ dưới 40%. Khi bạn dấn thân thấy nó có tiềm năng rồi hãy đầu tư thêm hoặc đầu tư toàn thời gian.
Minh họa cụ thể
Mình đang muốn tăng cân để thay đổi ngoại hình sao cho đẹp hơn. Hiện tại, mình đang phân vân môn thể hình và môn thể dục đường phố. Thay vì đăng ký tập cả 1-2 năm cho một trong 2 môn, mình sẽ tập một môn trong vòng 3 tháng. Tổng cộng mình sẽ mất 6 tháng. Sau quá trình này, mình sẽ đánh gia lại độ phù hợp và hiệu quả của mỗi môn. Môn nào ổn thì mình sẽ đầu tư mua gói tập luyện, thuê PT và thời gian tập nhiều hơn. Quyết định từng bước như này sẽ tiết kiệm nhiều thời gian, tiền bạc nhưng vẫn đảm bảo là bạn hiểu mục tiêu của mình trước khi lập kế hoạch theo đuổi nó dài hạn.
Bước 3. Cụ thể hóa kế hoạch hành động đến mức tối thiểu là tuần
Khi biết được bạn cần học kiến thức gì, kỹ năng nào cũng như trải nghiệm ra sao thì bạn cần biến chúng thành hành động. Chúng ta thường có thói quen xấu là nói hành động chung chung, nói miệng như không hệ thống để thực hiện. Hậu quả của việc này là bạn sẽ không thể quản lý được hành động, sinh ra quên mất hoặc trì hoãn không làm. Đối với người có quỹ thời gian hạn hẹp thì công đoạn này cần phải làm thật sự chi tiết.
Để làm được việc đó bạn cần năng lực lên kế và công cụ hỗ trợ. Ở bài viết này, mình sẽ chia sẻ cho bạn công cụ mà mình sử dụng để lên kế hoạch cho bản thân dễ dàng hơn. Về phần năng lực, chúng ta cần làm việc trực tiếp nhau để triển khai cụ thể.

Mình để riêng hướng dẫn tải về sử dụng template (mẫu) kế hoạch cá nhân, bạn hãy click vào nút bên dưới đến bài viết đó nhé!
Template rất bổ ích ạ